Dò khe mang là một trong những bệnh lý bẩm sinh thường gặp ở trẻ em với tỉ lệ chiếm 30% trong những khối u bẩm sinh vùng cổ. Nguyên nhân từ sự phát triển không bình thường của bộ phận mang trong quá trình phát triển phôi thai, làm tồn tại những nang, xoang hay đường dò khe mangvùng đầu, cổ. Những bệnh lý này biểu hiện về mặt lâm sàng là những khối u vùng cổ bên hay lỗ dò vùng cổ và tai kèm theo nhiễm trùng tái phát nhiều lần.
A. Các dạng nang, xoang đường dò thường gặp:
1/ Dò luân nhĩ: lỗ dò xuất hiện vùng trước tai, 1 hoặc 2 bên, thỉnh thoảng chảy dịch đục như nước vo gạo hoặc bị nhiễm trùng tạo apxe vùng trước tai.
Dò luân nhĩ bên phải
2/ Nang giáp lưỡi
Nang bẩm sinh nằm ở vùng giữa cổ vùng xương móng và trên tuyến giáp, do bất thường trong quá trình hình thành và di chuyển của tuyến giáp từ vùng đáy lưỡi xuống vùng cổ.
Nang giáp lưỡi.
3/ Dò khe mang:
Thường biểu hiện bởi các dạng lỗ dò, hoặc nang vùng bên cổ, hay bị chảy dịch hoặc nhiễm trùng, sưng to dạng apxe. Chia làm 4 loại theo số thứ tự 1,2,3,4. Có 2 nhóm chính:
- Dò số 1 vị trí lỗ dò hoặc nang nằm ở vùng trước tai, sau tai hoặc góc hàm. Đường dò thường liên quan đến dây thần kinh mặt và tận cùng ở trong ống tai.
Hình ảnh về dò khe mang số 1.
- Dò số 2,3,4 vị trí lỗ dò hoặc nang nằm ở vùng cổ bên, bờ trước cơ ức đòn chũm. Đường dò thường tận cùng ở vùng họng hoặc xoang lê hay miệng thực quản.
Hình ảnh về dò và nang khe mang số 2.
B. Chẩn đoán:
Dựa vào việc thăm khám và siêu âm và chụp X quang để xác định vị trí, kích thước của các nang, 1 số trường hợp có thể thấy được đường đi của đường dò.
Chụp X quang xác định vị trí và đường đi của đường dò.
C.Can thiệp:
Tất cả trường hợp cần phải phẫu thuật để lấy trọn nang và đường dò. Phương pháp phẫu thuật thay đổi tùy theo loại đường dò. Cần những phẫu thuật viên có kinh nghiệm để lấy trọn nang và đường dò, nếu không sẽ bị tái phát.