Để trẻ đeo máy trợ thính đạt hiệu quả tốt nhất về nghe và phát triển ngôn ngữ.
Theo kết quả nghiên cứu trên 300 trẻ khiếm thính của viện sức khỏe quốc gia Hoa kỳ (US National Institutes of Health) vào năm 2018, khoảng 1/3 số trẻ khiếm thính đeo máy trợ thính không đạt được khả năng nghe hiểu lời nói như kỳ vọng của nhà chuyên môn và gia đình.
Tại Việt nam, rất nhiều trường hợp trẻ đeo máy trợ thính, nhưng kết quả nghe nói cũng rất kém, dẫn đến tình trạng gia đình lo lắng hoặc bỏ qua không chịu can thiệp cho trẻ. Sau đây là 1 số nguyên nhân chính:
1/ Máy trợ thính không được hiệu chỉnh đúng
Mục đích chính của máy trợ thính là giúp trẻ khiếm thính phục hồi khả năng nghe lời nói. Máy trợ thính hiện nay đa phần là loại kỹ thuật số, được lập trình theo thính lực đồ chuyên biệt của từng bệnh nhân, cần phải được chỉnh máy và theo dõi bởi chuyên gia thính học. Vì vậy khi mua máy trợ thính cho trẻ, công ty cung cấp thiết bị phải có trách nhiệm chỉnh máy cho trẻ theo từng giai đoạn sau 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng…cho đến khi trẻ được khả năng nghe tốt nhất.
Qui trình chọn máy, thử máy, chỉnh máy, theo dõi khi sử dụng máy trợ thính cho trẻ.
2/ Thời gian đeo máy không đủ
Ngay cả trong trường hợp máy trợ thính đã được hiệu chỉnh đúng, kết quả nghe hiểu cũng chỉ đạt kết quả tốt nếu trẻ đeo máy thường xuyên. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc không chịu đeo máy của trẻ như: trẻ nhỏ, trẻ giảm thính lực ở mức độ trung bình nhẹ, gia đình khó khăn hoặc không nhận thức được vai trò quan trọng của việc đeo máy…
Để giải quyết tình trạng này, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa công ty cung cấp thiết bị, chuyên gia thính học và gia đình để theo dõi sát thời gian sử dụng máy trợ thính của trẻ. Ngoài việc quan sát dữ liệu tự động từ máy, báo cáo trực tiếp từ phụ huynh cũng rất quan trọng. Qua đó sẽ thiết lập các mục tiêu cho việc sử dụng máy và theo dõi tiến triển theo thời gian. Các nghiên cứu cho thấy trẻ đeo máy trợ thính trên 10 tiếng/ngày sẽ có kết quả phát triển ngôn ngữ tốt hơn nhóm trẻ đeo máy trợ thính ít hơn 10 tiếng /ngày.
3/ Tiếp cận quá nhiều các phương tiện thông tin điện tử như máy tính bảng, ti vi…
Việc giao tiếp trực tiếp bằng lời nói với cha mẹ hoặc cô giáo sẽ giúp trẻ tăng khả năng phát triển ngôn ngữ. Ngày nay do sự phát triển của các phương tiện giải trí như ti vi, trò chơi điện tử, máy tính bảng, phim ảnh…nên đa số trẻ sẽ bị thu hút tập trung vào các phương tiện này, giảm thời gian giao tiếp lời nói với người lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển ngôn ngữ nói.
Vai trò của phụ huynh là rất quan trọng, cần phải hạn chế thời gian tiếp xúc với các phương tiện giải trí nghe nhìn của trẻ tại nhà, dành nhiều thời gian trò chuyện với trẻ, giúp trẻ đang đeo máy đạt được kết quả phát triển ngôn ngữ tốt nhất.
Ngoài các yếu tố trên thì việc được chẩn đoán và can thiệp sớm, đúng cách góp phần quan trọng vào việc phục hồi khả năng nghe nói của trẻ.
BS. LÊ TỰ THÀNH NHÂN tổng hợp tài liệu và lược dịch từ bài viết:’’ Lessons from the outcomes of children with hearing loss study “của Ryan Mccreery và Elizabeth Walker được đăng trên tạp chí ENT & Audiology News, số tháng 11, 12/2018.