VA (vegetation adenoide) là 1 tổ chức lympho nằm ở vùng vòm mũi họng, có chức năng tạo miễn dịch cho cơ thể chống lại các mầm bệnh. Bình thường mọi trẻ em đều có VA từ lúc sinh ra, VA phát triển mạnh từ 2 đến 5 tuổi sau đó teo đi khi trẻ lớn lên, thường từ 8 đến 10 tuổi.
Ai thường bị VA:
Do vị trí nằm ờ vòm mũi họng, thường xuyên tiếp xúc với các mầm bệnh trong không khí hoặc trong thức ăn ,nên VA hay bị nhiễm trùng. Thời gian hoạt động của VA mạnh nhất từ 2 đến 5 tuổi nên những trẻ trong lứa tuổi này thường hay bị viêm VA.
Chức năng của VA là tạo miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các mầm bệnh, bắt giữ các mầm bệnh như virus, vi vi trùng nhằm bảo vệ cho đường hô hấp. Khi VA bị viêm nhiễm, sẽ có sự tăng sinh các tế bào lympho, làm tăng kích thước của VA, gây tắc nghẽn đường hô hấp trên, làm cho trẻ bị khó thở.
Lý do trẻ thường hay bị VA:
Ở lứa tuổi từ 2 đến 5 tuổi, hệ thống miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh, VA đóng vai trò chính trong giai đoạn này, thường xuyên tiếp xúc với các loại virus, vi trùng trong không khí cũng như trong thức ăn nên VA hay bị viêm nhiễm. Vào mùa lạnh, trẻ thường hay bị viêm nhiễm đường hô hấp trên do tiếp xúc với các loại virus trong không khí, do đó VA sẽ hoạt động mạnh tăng sinh kích thươc, gây ra các triệu chứng như khó thở, ngưng thở khi ngủ.
Việc loại bỏ VA bằng phương pháp phẫu thuật có ảnh hưởng đến sức đề kháng của trẻ hay không?
VA là một trong 4 tổ chức lympho ở vùng vòm mũi họng, ngoài VA cơ thể còn có amidan khẩu cái, amidan đáy lưỡi, VA vòi có chức năn tương tự, do đó khi nạo bỏ khối VA cũng không làm trẻ bị giảm khả năng miễn dịch. Ngoài ra khi VA bị viêm nhiễm thường xuyên thì chức năng bị giảm sút hoặc không còn chức năng.
Hình ảnh VA qua nội soi mũi.
Những hậu quả xấu nếu không cắt bỏ VA khi đã viêm nặng:
Khi bị viêm nặng, VA trở thành một ổ chứa mầm bệnh, gây viêm nhiễm các cơ quan lân cận như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh khí phế quản…
VA phì đại sẽ gây nên những cơn ngưng thở khi ngủ, hay đái dầm, ban ngày thì ngủ gà, chậm chạp, thiếu minh mẫn, chậm phát triển. Trẻ phải thở bằng miệng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của khuôn mặt.
Hình ảnh X quang sọ nghiêng VA phì đại.
Không phải trẻ nào cũng bị viêm VA:
Trẻ sống trong môi trường trong sạch, ăn uống hợp vệ sinh, giữ ấm tốt thì it có nguy cơ bị tiếp xúc với các mầm bệnh trong không khí, thức ăn nên VA sẽ ít hoặc không bị viêm nhiễm.
Phương pháp điều trị ngoài phẫu thuật:
Trước khi quyết định phẫu thuật, trẻ cần được khám bởi BS chuyên khoa tai mũi họng, hỏi bênh sử thăm khám kỹ và điều trị nội khoa đầy đủ. Một số trường hợp sau khi điều trị nội khoa thích hợp, kết hợp với việc phòng ngừa tốt, trẻ sẽ khỏi bệnh không cần phải phẫu thuật.
Khi nào cần nạo VA:
-Viêm nhiễm trên 4 lần/ năm
- Các triệu chứng của viêm VA vẫn tồn tại sau 2 đợt điều trị nội khoa tích cực, mỗi đợt ít nhất 2 tuần.