Ù tai là tiếng ồn hoặc tiếng kêu trong tai, không phải là 1 bệnh mà là 1 triệu chứng của 1 bệnh lý nào đó ví dụ như giảm thính lực, viêm tai giữa, chấn thương tai hoặc rối loạn hệ thống tuần hoàn…
2/ Các dạng ù tai
• Ù tai chủ quan: chỉ bệnh nhân bị ù tai nghe được tiếng ù. Đây là dạng ù tai phổ biến nhất. Nguyên nhân do các bệnh lý xuất phát từ tai ngoài, tai giữa hoặc tai trong. Cũng có thể do bệnh lý của dây thần kinh thính giác hoặc não bộ.
• Ù tai khách quan: Bác sĩ có thể nghe được tiếng ù tai khi khám bệnh nhân. Đây là dạng ù tai hiếm gặp gây ra do các vấn đề về mạch máu hoặc sự co cơ
3/ Cần phải làm gì khi bị ù tai:
Bệnh nhân cần phải đi khám bác sỹ, thông thường là bác sỹ chuyên khoa Tai mũi họng để tìm ra nguyên nhân ù tai.
Khoảng 90 phần trăm bệnh nhân ù tai có liên quan đến giảm thính lực nên bệnh nhân cần phải được kiểm tra thính lực bằng các phương pháp khác nhau để xác định nguyên nhân.
Một số trường hợp bệnh nhân phải được kiểm tra về những rối loạn tuần hoàn, rối loạn sự co cơ để tìm ra nguyên nhân ù tai. Khi cần thiết bác sỹ sẽ chỉ định chụp CT, MRI để loại trừ nguyên nhân do khối u vùng não ví dụ như u dây thần kinh thính giác.
4/ Liệu có chữa được ù tai hay không?
Tùy thuộc vào nguyên nhân mà có những phương pháp điều trị khác nhau.
Tuy nhiên một số trường hợp không thể tìm ra nguyên nhân nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Một số nguyên nhân thường gặp gây ù tai:
- Ráy tai: nút ráy tai làm bít tắc ống tai, cản trở sự dẫn truyền âm thanh, gây cảm giác ù tai. Sau khi lấy nút ráy tai, bệnh nhân sẽ hết ù tai.
- Các bệnh lý ở vùng tai giữa như viêm tai giữa cấp, Viêm tai giũa tiết dịch, viêm tai giữa mãn thủng màng nhĩ… Việc điều trị nội khoa hoặc kết hợp với phẫu thuật vá màng nhĩ sẽ giải quyết được tình trạng ù tai.
- Các bệnh lý xuất phát từ tai trong như nghe kém do tiếng ồn, lão thính, viêm nhiễm, bệnh Meniere, nghe kém đột ngột, chấn thương… Tùy theo mỗi bệnh lý sẽ có cách điều trị khác nhau. Một số trường hợp giảm thính lực, sau 1 thời gian sử dụng máy trợ thính sẽ giảm được tình trạng ù tai.
- Khối u ở dây thần kinh thính giác: cần phải được chẩn đoán xác định bằng CT, MRI và được điều trị bằng phẫu thuật.
- Một số trường hợp do rối loạn tuần hoàn,u mạch máu cũng gây ù tai, việc điều trị cần kết hợp nội khoa và phẫu thuật. - Rối loạn sự co cơ, xương khớp: cần phải khám chuyên khoa để được điều trị phù hợp.
5/Một số phương pháp điều trị hỗ trợ:
Trong trường hợp không tìm ra nguyên nhân cụ thể, có thể áp dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ, tuy nhiên hiệu quả thay đổi tùy theo mỗi trường hợp:
- Sử dụng 1 số thuốc chống trầm cảm, tuy nhiên gây nhiều tác dụng phụ.
- Sử dụng 1 số loại thuốc gây ngủ, an thần nhẹ. Tuy nhiên không được sử dụng lâu dài
- Che lấp tiếng ù bằng những âm thanh thông thường trong cuộc sống hàng ngày như âm nhạc, tiếng nước chảy…, hoặc sử dụng máy phát ra những âm nền tần số thấp để che lấp tiếng ù…
- Một số phương pháp khác như châm cứu, bổ sung kẽm, Vitamin B, hay sử dụng Ginkgo biloba…
6/ Các biện pháp phòng ngừa:
- Phòng ngừa là cách thức điều trị hiệu quả nhất vì ù tai rất khó chữa.
Ví dụ tránh những thứ gây hại cho tai trong thời gian dài như tiếng ồn, một số loại thuốc gây độc tai như Aspirin, thuốc kháng sinh nhóm Aminoglycosides, các loại thuốc trị ung thư, lợi tiểu, sốt rét…
- Tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá, cafeine. Duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục, chơi thể thao, giảm stress…
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý gây ù tai nhằm được điều trị sớm và kịp thời.