Viêm mũi xoang mãn tính là tình trạng viêm và phù nề lớp niêm mạc các xoang cạnh mũi kéo dài trên 8 tuần. Tình trạng này cản trở quá trình dẫn lưu của xoang dẫn đến hiện tượng tích tụ dịch trong các xoang. Viêm mũi xoang mãn tính có thể do nhiễm trùng hoặc nhiều nguyên nhân kết hợp khác nhau, thường xảy ra ở người trẻ hoặc trung niên, nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ em.
Các triệu chứng của bệnh viêm mũi xoang mãn tính:
Các triệu chứng chính bao gồm:
- Chảy mũi đục, vàng hoặc xanh ra mũi trước hoặc chảy ra sau xuống họng.
- Nghẹt mũi làm bệnh nhân cảm giác khó thở qua đường mũi.
- Nhức đầu, đau hoặc sưng nề vùng quanh mắt, vùng mũi, má hoặc sau gáy.
- Mất mùi hoặc giảm khứu giác.
Ngoài ra bệnh nhân có thể có các triệu chứng khác như hơi thở hôi, ho đặc biệt về đêm, đau tai, đau hàm, đau họng, mệt mỏi, nôn ói…
Các triệu chứng của bệnh viêm mũi xoang mãn tương tự như của bệnh viêm mũi xoang cấp, tuy nhiên thời gian kéo dài, thông thường trên 8 tuần lễ.
Hình ảnh xoang bình thường (bên trái) và xoang bị viêm (bên phải).
Khi nào cần đi khám bác sỹ:
Bệnh nhân có thể bị nhiều đợt viêm mũi xoang cấp, kéo dài ít hơn 1 tháng trước khi chuyển sang viêm mũi xoang mãn. Cần phải đến bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng để có chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.
Nguyên nhân:
- Polyp mũi: các mô polyp làm tắc nghẽn đường dẫn lưu của mũi, xoang.
- Dị ứng.
- Vẹo vách ngăn: làm hạn chế hoặc tắc nghẽn các đường dẫn lưu của xoang.
- Chấn thương vùng mặt.
- Nhiễm trùng đường hô hấp.
- Một số bệnh lý khác: các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh mô sợi đa nang (cystic fibrosis), HIV có thể gây nên sự tắc nghẽn vùng mũi, xoang.
Biến chứng của bệnh viêm mũi xoang mãn tính:
- Khởi phát cơn suyễn
- Viêm màng não: do sự lan truyền nhiễm trùng vào vùng não, màng não.
- Giảm thị lực: nhiễm trùng lan đến vùng hốc mắt gây giảm thị lực, một số trường hợp nặng có thể gây mù.
- Phình mạch hoặc huyết khối: nhiễm trùng ở các tĩnh mạch xung quanh xoang, cản trở sự lưu thông máu đến não.
Chẩn đoán:
Chẩn đoán dựa vào việc hỏi bệnh sử, khám nội soi vùng tai, mũi họng và chụp CT scan để khảo sát hình ảnh của vùng mũi xoang. Một số trường hợp thất bại với điều trị cần phải cấy vi trùng.
Kiểm tra về dị ứng: test dị ứng da có thể giúp bác sỹ tìm ra nguyên nhân gây dị ứng.
Điều trị:
Mục đích của việc điều trị bao gồm:
- Giảm tình trạng viêm
- Duy trì sự thông thoáng vùng mũi, xoang.
- Loại bỏ nguyên nhân.
- Giảm số đợt viêm xoang.
Các phương pháp điều trị:
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý.
- Corticoide xịt mũi hoặc uống, tuy nhiên phải lưu ý đến tác dụng phụ khi sử dụng corticoide lâu ngày khi dùng đường uống.
- Thuốc co mạch, giảm đau, chống dị ứng.
- Kháng sinh: cần thiết khi nguyên nhân do nhiễm trùng.
- Điều trị miễn dịch, chống trào ngược dạ dày thưc quản…
- Phẫu thuật: Phẫu thuật nội soi mũi xoang là cần thiết trong trường hợp thất bại điều trị nội khoa. Tùy theo vị trí và nguyên nhân gây tắc nghẽn, bác sỹ sẽ lấy bỏ các mô hoặc polyp, mở rộng lỗ thông xoang để tái tạo sự dẫn lưu thông thoáng cho các xoang cạnh mũi.
Phòng ngừa bệnh viêm mũi xoang mãn:
- Điều trị kịp thời tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp, hạn chế bị cảm lạnh, rửa tay thường xuyên với nước và xà phòng, đặc biệt trước khi ăn.
- Kiểm soát tình trạng dị ứng.
- Không hút thuốc lá và tránh môi trường ô nhiễm.
- Lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý..