Viêm tai giữa mủ mãn tính là tình trạng viêm tai gây chảy mủ tai kéo dài trên 6 đến 12 tuần kèm theo màng nhĩ bị thủng. Đây là một bệnh lý khó điều trị. Nguyên nhân do sự xâm lấn của vi trùng từ ống tai ngoài qua lỗ thủng màng nhĩ hoặc sự nhiễm trùng từ vùng mũi họng lan đến tai giữa thông qua vòi nhĩ.
Các triệu chứng chính:
- Màng nhĩ thủng.
- Chảy dịch nhầy, mủ bên tai bị viêm kéo dài trên 6-12 tuần.
- Giảm thính lực.
- Các triệu chứng như sốt, đau đầu, chóng mặt khi có các biến chứng xâm lấn xương thái dương hoặc nội sọ.
Phân loại:
Viêm tai giữa nung mủ mãn tính không có cholesteatoma: tiên lượng tốt do không có hiện tượng hủy xương.
Viêm tai giữa nung mủ mãn tính có cholesteatoma: có hiện tượng hủy xương, xâm lấn các cơ quan lân cận gây viêm não, áp xe não, liệt mặt, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên.
Chẩn đoán:
Hỏi bệnh sử về chảy mủ tai, tiền căn đặt ống thông nhĩ…
Nội soi tai: màng nhĩ thủng, chảy dịch nhầy hoặc mủ từ tai giữa, hình ảnh mảng óng ánh như xà cừ trong trường hợp có cholesteatoma.
Đo thính lực: nghe kém dẫn truyền. Một số trường hợp nghe kém hỗn hợp hoặc tiếp nhận khi có biến chứng xâm lấn vào tai trong.
Chẩn đoán hình ảnh:
· CT scan xương thái dương trong trường hợp không đáp ứng với điều trị nội khoa.
· MRI trong trường hợp nghi ngờ có biến chứng nội sọ hoặc trong xương thái dương.
Điều trị:
A/ Điều trị tại chỗ: rửa tai, nhỏ thuốc kháng sinh…
B/ Điều trị nội khoa: mỗi đợt kéo dài trung bình 2 tuần với kháng sinh đường uống hoặc tĩnh mạch.
C/ Điều trị phẫu thuật:
Phẫu thuật vá nhĩ đơn thuần (myringoplasty) trong trường hợp đáp ứng điều trị nội khoa, tai khô, không có tổn thương chuỗi xương con.
Phẫu thuật vá nhĩ, chỉnh hình xương con (tympanoplasty) giúp phục hồi cấu trúc giải phẫu màng nhĩ, phục hồi thính lực trong trường hợp màng nhĩ thủng có tổn thương chuỗi xương con.
Phẫu thuật khoét rỗng đá chủm (mastoidectomy) trong trường hợp có cholesteatoma hoặc trường hợp không có cholesteatoma nhưng chảy tai kéo dài không đáp ứng với điều trị nội khoa.
Phòng ngừa:
Đối với bệnh nhân bị viêm tai giữa nung mủ mãn tính, cần phải:
- Giữ tai khô, tránh nước vào tai.
- Nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị kịp thời, phẫu thuật khi có chỉ định ngăn ngừa biến chứng xâm lấn hoặc sự tái phát của bệnh.