Phát hiện và can thiệp sớm tình trạng nghe kém của trẻ là rất quan trọng cho sự hình thành và phát triển ngôn ngữ của trẻ. Tuy nhiên việc chẩn đoán ở trẻ em gặp nhiều khó khăn hơn ở người lớn vì không thể dựa vào một phương pháp đo riêng lẽ và chủ quan để đánh giá thính lực của trẻ.
Đa số trẻ em nghe kém được chẩn đoán muộn vì những lý do sau đây:
- Gia đình không được trang bị kiến thức về các mốc phát triển ngôn ngữ theo từng lứa tuổi, nên không phát hiện sự chậm phát triển ngôn ngữ kịp thời để đưa bé đi khám.
- Trẻ thường hiếu động, ít tập trung chi tiết vào các âm thanh xung quanh, có thể thực hiện các mệnh lệnh của người lớn qua giác quan thị giác nên cha mẹ cảm nhận là bé nghe được rõ các câu nói.
- Việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn vì cần những bác sỹ có kinh nghiệm về thính học, thực hiện nhiều phương pháp đo khác nhau về khách quan lẫn chủ quan, đôi khi phải thực hiện nhiều lần và theo dõi trong 1 thời gian mới có được kết quả chính xác.
Giới thiệu các phương pháp đo thính lực ở trẻ em:
A/ Các phương pháp đo thính lực khách quan:
Các phương pháp đo khách quan là các phương pháp đo không cần sự hợp tác tham gia của trẻ, tuy nhiên yêu cầu trẻ phải nằm yên, không quấy khóc , 1 số phương pháp chỉ có thể thực hiện được khi trẻ ngủ.
- Đo nhĩ lượng đồ (Tympanometry)
- Đo phản xạ cơ bàn đạp (stapedial reflex)
2 phương pháp này giúp bác sĩ đánh giá chức năng của hệ thống tai giữa góp phần chẩn đoán vị trí tổn thương trên bệnh nhân nghe kém.
- Đo âm ốc tai (otoacoustic emission).
Phương pháp này giúp bác sĩ đánh giá chức năng của các tế bào lông bên trong ốc tai.
- Đo điện thính giác thân não (Auditory brainstem response).
Phương pháp này giúp bác sĩ đánh giá chức năng dẫn truyền của đường thính giác sau ốc tai cũng như ước lượng được ngưỡng nghe (estimated hearing level) của trẻ. Ở trẻ em đây là 1 phương pháp rất quan trọng giúp chẩn đoán ngưỡng nghe (thính lực đồ) của trẻ. Tuy nhiên để thực hiện phương pháp này trẻ cần phải ngủ tự nhiên hoặc 1 số trường hợp cần phải gây mê cho trẻ ngủ mới đo được. Việc đọc và phân tích kết quả cần phải có chuyên gia có kinh nghiệm.
- Đo ASSR (Auditory steady state response):
Giúp xác định ngưỡng nghe của trẻ trong trường hợp nghi ngờ giảm thính lực mức độ nặng và sâu.
Đo âm ốc tai cho trẻ sơ sinh.
B/ Các phương pháp đo chủ quan:
Các phương pháp đo thính lực chủ quan cần phải có sự tham gia và hợp tác của trẻ. Nếu trẻ hợp tác tốt, kết quả sẽ rất có giá trị vì đây chính là thính lực đồ thật sự của trẻ, đáp ứng thật sự của trẻ với môi trường âm thanh xung quanh. Tùy theo lứa tuổi, tùy theo sự phát triển về trí tuệ của trẻ bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp đo khác nhau:
- Đo thính lực hành vi quan sát (Behavioral observation audiometry):
Phương pháp này áp dụng cho trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi, sự thay đổi hành vi bú khi nghe âm thanh sẽ giúp bác sĩ đánh giá được sức nghe của trẻ.
- Đo thính lực hành vi có tăng cường hình ảnh (Visual reinforcement audiometry):
Đánh giá sự đáp ứng với âm thanh qua hành vi quay đầu về hướng phát ra âm thanh có hỗ trợ hình ảnh vui nhộn để kích thích trẻ. Phương pháp này được áp dụng cho trẻ từ 6 tháng đến 24 tháng tuổi.
- Đo thính lực đồ chơi (Conditioned play audiometry).
Phương pháp này áp dụng cho trẻ từ 24 tháng đến 6 tuổi.
- Đo thính lực đơn âm (Conventional pure tone audiometry):
Thường được áp dụng cho trẻ trên 6 tuổi.
Như vậy để chẩn đoán 1 trẻ bị nghe kém đặc biệt là ở mức độ nặng sâu cần phải có sự khám bệnh, hỏi bệnh sử chi tiết về tai mũi họng, thực hiện các phương đo khách quan lẫn chủ quan mới có được kết luận chính xác.