Amidan là tổ chức lympho hay tổ chức bạch huyết thuộc vòng bạch huyết Waldeyer ở vùng vòm mũi họng (bao gồm amidan khẩu cái, amidan đáy lưỡi, VA vòm và VA vòi Eustachian) có nhiệm vụ tạo ra kháng thể giúp cơ thể chống lại các mầm bệnh khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy amidan có vai trò quan trọng trong sự phát triển hệ miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể chống lại các mầm bệnh.
Hình ảnh 2 amidan (tonsils), VA (adenoids)
Viêm amidan là tình trạng viêm của 2 amidan khẩu cái biểu hiện bởi các triệu chứng như sau:
- Sốt
- Đau họng
- Khó nuốt
- Sưng đau vùng cổ
- Hơi thở hôi
- Nhức đầu, mệt mỏi
- 2 amdian sưng to, đỏ, có thể có chấm mủ hoặc giả mạc. Ở trẻ nhỏ, các triệu chứng gợi ý như sau:
- Chảy nước bọt do khó nuốt hoặc đau họng.
- Không chịu ăn uống.
- Quấy khóc.
Hình ảnh amidan viêm hốc mủ
2/ Nguyên nhân gây viêm amidan:
- Nhiễm virus
- Nhiễm vi trùng, thường gặp nhất là liên cầu khuẩn nhóm A (Group A streptococcus). Amidan là hàng rào bảo vệ đầu tiên chống lại các vi khuẩn, virus khi chúng đi vào vùng họng, vì vậy rất dễ bị viêm nhiễm.
3/ Các yếu tố nguy cơ:
- Tuổi nhỏ: Thường xảy ra ở trẻ mầm non hoặc thiếu niên
- Tiếp xúc thường xuyên với mầm bệnh: môi trường ô nhiễm, thức ăn không hợp vệ sinh, bạn bè cùng trang lứa bị nhiễm bệnh.
4/ Biến chứng:
- Lan truyền nhiễm trùng đến vùng kế cận như abces quanh amidan.
- Viêm khớp dạng thấp, viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu khuẩn
- Amidan phì đại gây cản trở ăn uống, khó thở, hội chứng ngưng thở khi ngủ…
5/ Khi nào cần gặp bác sỹ:
- Đau họng không giảm sau 24h
- Nuốt đau, nuốt khó
- Trẻ mệt mỏi, lừ đừ hoặc quấy khóc, chảy nước bọt.
Phụ Huynh chuẩn bị để trả lời những câu hỏi của bác sỹ như sau:
- Các triệu chứng xuất hiện từ khi nào?
- Nếu trẻ có sốt thì nhiệt độ là bao nhiêu?
- Trẻ có khó ăn, khó nuốt hay không?
- Trẻ đã được sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt chưa?
- Trẻ đã được chẩn đoán bị viêm amidan trước đây chưa, số lần?
- Các triệu chứng có ảnh hưởng đến giấc ngủ hay không?
6/ Chẩn đoán:
Thông qua việc thăm khám, hỏi bệnh bác sỹ tai mũi họng sẽ có chẩn đoán và chỉ định điều trị phù hợp. Một số trường hợp cần phải phết họng tìm vi trùng hoặc làm xét nghiệm máu để hỗ trợ việc tìm ra nguyên nhân cũng như loại trừ các trường hợp bệnh khác.
7/ Điều trị:
Chăm sóc tại nhà : Việc chăm sóc tại nhà là rất cần thiết dù nguyên nhân do virus hay vi trùng bao gồm:
- Nghỉ ngơi
- Uống nhiều nước.
- Ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu
- Súc họng bằng nước muối loãng
- Tránh môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá.
- Thuốc hạ sốt, giảm đau
Sử dụng kháng sinh:Trong trường hợp nguyên nhân do vi trùng, bác sỹ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh phù hợp, thời gian từ 5 đến 10 ngày.
Chỉ định cắt amidan:
- Viêm nhiễm tái phát: 5 lần/năm, 4 lần/2 năm liên tiếp, 3 lần/3 năm liên tiếp
- Quá phát độ 3, 4 gây hội chứng ngưng thở khi ngủ, cản trở việc ăn uống
- Nghi ngờ ung thư: amidan to quá phát 1 bên.
Phẫu thuật cắt amidan được thực hiện bằng các phương pháp khác nhau như bóc tách,dao điện đơn cực, dao điện lưỡng cực, coblator.. dưới hình thức gây mê toàn thân, thường bệnh nhân xuất viện trong ngày trừ trường hợp ở trẻ nhỏ hoặc có các nguy cơ khác kèm theo.
Các biến chứng có thể xảy ra sau mổ bao gồm chảy máu, nhiễm trùng, những biến chứng do gây mê…Sau mổ bệnh nhân phải tuân thủ chế độ ăn đặc biệt chủ yếu là ăn các thức ăn mềm, lỏng, nguội trong thời gian từ 10 đến 14 ngày sau mổ, hạn chế vận động mạnh. Sau 2 tuần bệnh nhân sẽ trở lại các hoạt động sinh hoạt như bình thường.
8/Phòng ngừa:
Hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn bằng các phương pháp sau đây:
- Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, ăn thức ăn nấu chín, hợp vệ sinh
- Tránh môi trường ô nhiễm, tránh khói thuốc lá, tránh nhiễm lạnh.
- Khi trẻ bệnh thì nên giữ ở nhà tránh lây nhiễm cho các bạn cùng lứa.