Ốc tai điện tử là một hệ thống điện tử phức tạp được cấy ghép vào bộ phận tai trong để kích thích dây thần kinh thính giác nhằm phục hồi chức năng nghe cho những bệnh nhân bị khiếm thính. Phương pháp này ra đời từ những năm 70 được áp dụng rộng rãi trên thế giới từ những năm 90 của thế kỷ hai mươi. Tại Việt nam phương pháp này được áp dụng lần đầu tiên vào năm 1998 và đến nay đã được áp dụng tại một số bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng ở Tp HCM và Hà nội.
Khi nào cần phải cấy ốc tai điện tử:
Thông thường ốc tai điện tử được chỉ định cho những bệnh nhân giảm thính lực mức độ nặng đến sâu và sử dụng máy trợ thính không hiệu quả. Có thể sử dụng cho cả người lớn và trẻ em, đặc biệt ở nhóm trẻ em nghe kém nặng sâu bẩm sinh. Lứa tuổi có thể cấy an toàn là từ 1 tuổi trở lên và thời gian phù hợp nhất là từ 1 đến 3,5 tuổi vì đây là thời gian mà trung tâm thính giác ở vỏ não phát triển mạnh nhất giúp cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Nếu cấy càng trễ, hiệu quả càng kém và mất nhiều thời gian để huấn luyện ngôn ngữ.
Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của hệ thống ốc tai điện tử:
Khác với máy trợ thính chỉ khuyếch đại âm thanh, hệ thống ốc tai điện tử tạo 1 cơ chế nghe mới chuyển các tín hiệu âm thanh thanh thành tín hiệu điện, từ đó kích thích trực tiếp dây thần kinh thính giác. Cấu tạo của hệ thống gồm 2 phần chính: phần bên ngoài gồm 1 microphone tiếp nhận âm thanh và bộ phận xử lý âm thanh, mã hóa âm thanh thành tín hiệu điện. Tín hiệu được truyền xuyên qua da bằng song radio đến bộ phận cấy ghép bên trong. Bộ phận bên trong (được cấy ghép) gồm bộ phận tiếp nhận tín hiệu và dải điện cực được đặt vào trong các vòng xoắn của ốc tai. Các tín hiệu điện phát ra từ dải điện cực sẽ kích thích dây thần kinh thính giác.
Cấu tạo hệ thống ốc tai điện tử: 1,2,3 bộ phận bên ngoài gồm microphone, dây dẫn và bộ xử lý âm thanh 4: Dải điện cực được cấy vào ốc tai. 5: Dây thần kinh thính giác
Việc cấy ốc tai điện tử được thực hiện như thế nào:
Một đội ngũ chuyên gia bao gồm bác sỹ tai mũi họng, chuyên gia về thính học, nhà huấn luyện ngôn ngữ, chuyên gia tâm lý sẽ hội chẩn để tìm ra những bệnh nhân phù hợp với chỉ định cấy. Thời gian phẫu thuật trung bình khoảng 2 giờ và thời gian hậu phẫu trung bình khoảng 1 tuần. Thông thường sau mổ khoảng 1 tháng hệ thống ốc tai điện tử sẽ được kích hoạt và điều chỉnh giúp bệnh nhân nghe được âm thanh.
Đối với bệnh nhi chưa có ngôn ngữ trước cấy, việc chỉnh máy kèm với chương trình huấn luyện ngôn ngữ mất nhiều thời gian giúp bé nghe và phát triển được ngôn ngữ, trung bình ít nhất từ 1 đến 2 năm. Phụ Huynh phải được tư vấn kỹ trước cấy và việc tham gia chương trình chỉnh máy và huấn luyện ngôn ngữ là rất quan trọng giúp cho sự phục hồi thính giác và phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Những ưu điểm và hạn chế của hệ thống ốc tai điện tử:
Ưu điểm: Giúp phục hồi thính giác cho những bệnh nhân bị nghe kém mức độ nặng sâu mà đáp ứng kém hiệu quả với máy trợ thính và các phương pháp điều trị khác.
Nhược điểm: Giá thiết bị cao khoảng 4 đến 5 trăm triệu chưa tính chi phí phẫu thuật, ngoài ra khi phẫu thuật cũng có những nguy cơ tai biến như nhiễm trùng, chảy máu, liệt mặt…
Hiệu quả của ốc tai điện tử còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi được cấy, thời gian từ lúc chẩn đoán đến lúc được cấy, trẻ đã có ngôn ngữ trước khi cấy hay chưa, nguyên nhân gây nghe kém, việc tham gia đầy đủ chương trình chỉnh máy và huấn luyện ngôn ngữ cũng như sự hợp tác của cha mẹ, gia đình.