Tỷ lệ thành công của phẫu thuật cấy ốc tai lên đến trên 99 phần trăm, tuy nhiên sau 1 thời gian 1 số biến chứng có thể xảy ra, tỷ lệ dao động từ 3 đến 9 phần trăm tùy theo các nghiên cứu. Sau đây là các biến chứng thường xảy ra qua các ca phẫu thuật tại Việt nam.
1/ Di lệch thiết bị xuống bên dưới:
Bộ phận cấy bên trong, ngoài dải điện cực được đặt sâu trong ốc tai, còn 1 bộ phận gọi là bộ phận tiếp nhận (receiver) có kích thước khá to và độ dày trung bình từ 4mm đến 6mm. Bộ phận tiếp nhận này được cố định ở phần xương sọ ở phía sau và trên của vành tai thông qua việc khoan xương sọ tạo thành 1 cái giường hoặc bắt vít vào xương sọ. Sau 1 thời gian phụ huynh phát hiện bộ cấy di lệch xuống sát vành tai làm cho trẻ không đeo được bộ xử lý âm thanh hoặc bị đau. Đa số các trường hợp không ảnh hưởng đến chức năng nghe do dải điện cực vẫn nằm trong ốc tai.
1 trường hợp di lệch thiết bị xuống dưới.
Hướng xử trí: phẫu thuật đặt lại bộ cấy nếu bé bị đau hoặc không đeo được thiết bị do bị cấn vành tai. Cần phẫu thuật viên có kinh nghiệm tránh bị tụt dải điện cực ra khỏi ốc tai.
Lời khuyên: chọn bộ cấy mỏng đối với trẻ nhỏ (dày 4 đến 4,5mm) hoặc bộ cấy có bắt vít cố định.
2/ Nhiễm trùng muộn
1 thời gian sau cấy xuất hiện 1 cái nhọt gần vết mổ cũ hoặc bộ phận tiếp nhận, sau đỏ chảy dịch nhầy hoặc mủ. Quá trình này sẽ diễn tiến kéo dài làm lộ bộ cấy hoặc hoại tử lớp cân bao bọc bộ cấy. Nếu phát hiện sớm có thể điều trị bằng thuốc uống. 1 số trường hợp thất bại phải phẫu thuật cắt lọc phần da, mô bị nhiễm trùng và phải tháo bỏ thiết bị.
1 trường hợp nhiễm trùng muộn, tái phát nhiều lần, thất bại sau 2 lần phẫu thuật.
Nguyên nhân thường gặp: do viêm nhiễm trong bệnh viện trong lúc phẫu thuật, hoặc sau mổ. Để khắc phục hiện tượng này cần chọn các bệnh viện sạch sẽ , phẫu thuật viên có tay nghề cao mổ ít chảy máu và mổ nhanh, thời gian ca phẫu thuật trung bình phải dưới 2 giờ.
Viêm nhiễm cũng có thể do xuất phát từ bộ cấy do bản chất là vật lạ hoặc quá trình đóng gói vô trùng….
Các trường hợp này phụ huynh cần thông báo sớm cho bệnh viện hoặc công ty cung cấp thiết bị để được xử lý sớm, tránh tình trạng bị hoại tử da, cân cơ, phải phẫu thuật tháo thiết bị ra.
3/ Viêm màng não:
Tương đối hiếm gặp, có thể do vi trùng xâm nhập qua đường máu hoặc vùng kế cận từ tai giữa (thường xảy ra trong tháng đầu tiên sau mổ.
Phụ huynh cần thông báo ngay khi trẻ có dấu hiệu sốt cao, cổ cứng, lừ đừ, mệt mỏi…để trẻ được nhập viện sớm, điều trị kháng sinh kịp thời…
4/ Các biến chứng khác như dị ứng thiết bị, rối loạn thăng bằng, vị giác, thường hiếm gặp.