Cấy ốc tai trong các trường hợp dị dạng cấu trúc tai trong
Các con số thống kê cho thấy khoảng 25 phần trăm trẻ bị nghe kém mức độ nặng sâu bị dị dạng cấu trúc tai trong và thần kinh thính giác. Thông thường phụ huynh phát hiện ra khi trẻ đã được chỉ định cấy ốc tai và dựa vào kết quả chẩn đoán hình ảnh CT, MRI. Câu hỏi đặt ra là các trường hợp này có cấy ốc tai được hay không và kết quả thể hiện sẽ như thế nào?
- Đầu tiên là phải xác định loại dị dạng ốc tai: ốc tai 1 vòng, 1,5 vòng hay ốc tai dạng nang chung (cystic cochlea) hoặc khoang chung ốc tai tiền đình (common cavity)… Lưu ý trường hợp duy nhất không thể cấy ốc tai được là dị dạng không có ốc tai (cochlear aplasia) vì không có chỗ để đặt dải điện cực.
- Các trường hợp dị dạng về dây thần kinh thính giác như dây thần kinh thính giác nhỏ hoặc không có dây thần kinh thính giác. Nếu đã xác định không có dây thần kinh thính giác thì không thể cấy được ốc tai.
Hình ảnh các loại dị dạng ốc tai
- Các nghiên cứu gần đây cho thấy là kết quả thể hiện sau cấy trên các trường hợp ốc tai bị dị dạng rất đáng khích lệ, trong giai đoạn đầu trẻ phát triển khả năng nghe nói chậm hơn so với các trẻ không dị dạng, tuy nhiên trẻ sẽ bắt kịp sau khoảng 2 năm.
- Điều quan trọng là bác sỹ phải biết đọc và phân tích các hình ảnh CT, MRI để chẩn đoán chính xác loại dị dạng, từ đó chọn dải điện cực có kích thước phù hợp với ốc tai dị dạng. Bác sỹ phẫu thuật phải có kinh nghiệm để xử lý các khó khăn có thể xảy ra trong lúc mổ như dị dạng dây thần kinh mặt hoặc tràn dịch não tủy (Gusher).