Phẫu thuật cấy ốc tai nhìn chung là phẫu thuật với độ an toàn rất cao, tỷ lệ thành công về mặt phẫu thuật lần đầu lên đến 99 phần trăm, tuy nhiên sau 1 thời gian, 1 số trường hợp phải phẫu thuật lại để lấy thiết bị ra hoặc thay đổi vị trí của thiết bị. Tỷ lệ mổ lại dao động từ 1 đến 3 phần trăm. Có 2 nhóm nguyên nhân chính: do y khoa hoặc do lỗi thiết bị.
Nhóm nguyên nhân do y khoa:
1/ Nhiễm trùng:
Thường biểu hiện bởi 1 lỗ dò nhỏ ở vùng bộ cấy chảy dịch, có thể xuất hiện tự nhiên hoặc sau 1 chấn thương va đập làm tróc da. Cần phải điều trị kháng sinh kịp thời, 1 số trường hợp không đáp ứng với kháng sinh, lỗ dò ngày càng lan rộng…các trường hợp này cần phải mổ tháo thiết bị. Có thể cấy lại sau 1 thời gian sau khi tình trạng viêm nhiễm đã ổn định.
Nhiễm trùng tạo lỗ dò chảy dịch ở vùng bộ cấy trong.
2/ Đào thải thiết bị, thường do phản ứng của cơ thể với vật lạ, còn gọi là dị ứng với chất Silicon, chất dùng làm vỏ bao của bộ cấy.
3/ Thiết bị bị đặt sai vị trí, 1 số trường hợp dải điện cực không được đặt đúng vị trí trong ốc tai, biểu hiện bởi bệnh nhân đáp ứng kém với âm thanh sau cấy.
1 trường hợp thiết bị đặt sai vị trí vào vùng tiền đình cần phải mổ lại.
4/ 1 số điện cực bị hỏng trong quá trình phẫu thuật đặt thiết bị.
5/ Di lệch điện cực:
Ngay cả trong trường hợp thiết bị được đặt đúng vị trí trong ốc tai, sau 1 thời gian có hiện tượng trồi ra tự nhiên của 1 số điện cực khỏi vùng ốc tai, làm giảm khả năng nghe của bệnh nhân.
6/ Di lệch bộ cấy trong xuống phía dưới vành tai:
Do chấn thương va chạm vào vị trí bộ cấy trong. Cần đặt lại thiết bị nếu trẻ bị đau khi đeo máy hoặc bộ xử lý âm không thể đeo vào vành tai được.
Nhóm nguyên nhân do thiết bị
1/ Lỗi phần cứng (hard failure)
Hỏng toàn bộ mạch điện cùng 1 lúc hoặc các điện cực bị hỏng dần dần do lỗi thiết bị hoặc sau 1 chấn thương va đập mạnh vào vùng thiết bị. Biểu hiện là bệnh nhân đột ngột không còn nghe âm thanh hoặc nghe kém dần. Trong trường hợp này phụ huynh cần liên lạc ngay với công ty cung cấp thiết bị hoặc bác sỹ phẫu thuật để xác định nguyên nhân. Công ty cung cấp thiết bị sẽ thực hiện các phép đo chuyên biệt để xác định thiết bị có hoạt động hay không, kết hợp với chụp phim kiểm tra vị trí của điện cực…Các trường hợp này cần phải cấy lại, thay thiết bị và thông thường kết quả sau khi cấy lại là tương đương với kết quả hiện tại.
Đo trở kháng xác định tình trạng của các điện cực không hoạt động
2/ Lỗi phần mềm (soft failure)
Biểu hiện lâm sàng là bệnh nhân nghe kém dần tuy nhiên khi kiểm tra thiết bị thì hoạt động bình thường. Có thể do sự thay đổi của các chất xung quanh điện cực như hiện tượng tăng sinh mô sợi xơ, mô xương, làm giảm khả năng dẫn truyền điện từ điện cực đến dây thần kinh thính giác…Các trường hợp này cần phải theo dõi, đo thính lực kiểm tra định kỳ và nếu tình trạng nghe kém nặng phải xem xét tháo thiết bị và cấy bên còn lại.
Các dấu hiệu cảnh báo thiết bị bị hỏng:
1 số bệnh nhân cảm nhận nghe âm thanh to bất thường, hoặc nghe tiếng rít, lúc nghe lúc không hoặc không nghe gì hết. Chất lượng âm thanh bị thay đổi. Khả năng nghe hiểu giảm, đôi lúc bị đau không chịu đeo máy, cảm giác khó chịu, chóng mặt hoặc giật mắt…
Như vậy, mặc dù phẫu thuật cấy ốc tai được xem là rất an toàn, các sự cố sau cấy vẫn có thể xảy ra do nguyên nhân y khoa hoặc do thiết bị. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như trên, phụ huynh và bệnh nhân cần liên lạc ngay với công ty cung cấp thiết bị và bác sỹ phẫu thuật, nhằm tìm ra nguyên nhân và có giải pháp can thiệp kịp thời. Các trường hợp phẫu thuật lại tuy có rủi ro giống như lần mổ đầu tiên, tuy nhiên kết quả sau cấy thường có kết quả bằng hoặc tốt hơn…Có thể cấy lại cùng bên hoặc cấy tai đối bên tùy theo từng trường hợp cụ thể.