Các kết quả lâu dài của can thiệp ốc tai điện tử cho trẻ khiếm thính
Trẻ bị điếc sâu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đến việc phát triển kỹ năng giao tiếp, nghe và hiểu ngôn ngữ lời nói, dẫn đến kết quả học tập sa sút và khó có cơ hội tìm được việc làm…
Từ những năm đầu thập niên 1980, sự phát minh ra ốc tai điện tử đã góp phần giúp trẻ em khiếm thính vượt qua những khó khăn kể trên, có thể phục hồi khả năng nghe, nói, hiểu ngôn ngữ lời nói và điều chỉnh các rối loạn tâm lý. Ốc tai điện tử được xem là an toàn, đáng tin cậy, hiệu quả và các kết quả lâu dài đang được đánh giá chi tiết cũng như các thử thách đang gặp hiện nay.
Các kết quả về lời nói và ngôn ngữ
Trẻ cấy sớm sẽ phát triển kỹ năng giao tiếp theo cách như các trẻ bình thường. Về lâu dài trẻ sẽ sử dụng ngôn ngữ nói là phương pháp giao tiếp chính. Phần lớn có thể sử dụng điện thoại để giao tiếp với cả những người quen hoặc người lạ. Trẻ có thể thưởng thức âm nhạc và tham gia các hoạt động trong lớp với bạn bè.
Kết quả về học tập
Trẻ cấy ốc tai sớm, tham gia huấn luyện đầy đủ và không bị các bệnh lý thần kinh kèm theo có thể theo học ở trường thường, chung với các trẻ bình thường thay vì phải học trường chuyên biệt. Giao tiếp bằng ngôn ngữ nói giúp trẻ có thể đi học bình thường. 1 số trẻ cấy trễ đã quen sử dụng ngôn ngữ dấu trước đó sẽ có khuynh hướng chuyển sang ngôn ngữ nói. Tuy nhiên trong 1 số tình huống phức tạp, để hiểu bài, 1 số trẻ sẽ linh hoạt sử dụng kết hợp giữa ngôn ngữ nói và nhìn miệng.
Sử dụng ngôn ngữ nói thường xuyên giúp trẻ cải thiện các kỹ năng đọc, viết, giúp trẻ đạt kết quả học tập tốt hơn. Tuy nhiên cũng có bằng chứng cho thấy trẻ cấy ghép học tập tốt hơn trẻ đeo trợ thính nhưng không bằng các trẻ bình thường. Đặc biệt ở các lớp cao hơn như trung học cấp 3, vì các tình huống nghe cũng như các đòi hỏi về kiến thức, kỹ năng sẽ phức tạp hơn.
Kết quả về tâm lý
Việc cấy ốc tai không ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Đa số các trẻ cấy ghép có cảm nhận bản thân về bệnh lý điếc cũng như cảm nhận nghe trở lại. Hầu hết hài lòng với việc đeo thiết bị, và việc chịu đeo thiết bị thường xuyên là dấu hiệu cho thấy thiết bị có ích với trẻ.
Cấy ốc tai 2 bên: 2 tai luôn tốt hơn 1 tai
Ban đầu đa số trẻ được cấy ốc tai 1 bên, tuy nhiên hạn chế của việc nghe 1 tai là trẻ khó nghe hiểu lời nói trong môi trường ồn và không định hướng được âm thanh, 2 dấu hiệu này sẽ thể hiện rõ ở trong lớp học. Trẻ được cấy 2 tai sẽ nghe tốt hơn trong lớp học, định hướng được âm thanh, tuy nhiên trẻ cần phải có thời gian học để làm quen với tai cấy thứ 2 trong trường hợp cấy 2 lần khác nhau.
Cấy ốc tai ở nhóm trẻ có bệnh lý đặc biệt
Sự hiệu quả của việc cấy ốc tai trên nhóm trẻ không bị bệnh lý các cơ quan khác thúc đẩy các nhà chuyên môn mở rộng chỉ định cấy cho các trẻ tự kỷ, chậm phát triển, bệnh Down…và hiệu quả tích cực hơn đã được ghi nhận từ chính phụ huynh. Tuy nhiên 1 số cha mẹ cũng còn phân vân nên cần được tư vấn kỹ và đầy đủ để thúc đẩy quá trình can thiệp cấy ghép cho trẻ.
Những mong đợi về kết quả tốt hơn?
Trẻ điếc là 1 nhóm trẻ rất khác nhau và có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả cấy ốc tai. Do đó việc đánh giá kết quả sẽ phức tạp và khác nhau ở từng trẻ, tuy nhiên tuổi cấy- can thiệp sớm_ là yếu tố rất quan trọng. Vai trò của cha mẹ giành nhiều thời gian giao tiếp với con, nhận thức được tầm quan trọng của việc tương tác và dạy trẻ, và các yếu tố về công nghệ tiên tiến góp phần nâng cao hiệu quả nghe nói của trẻ cấy ghép.
Tóm lại các kết quả lâu dài của việc cấy ốc tai là vượt quá sự mong đợi cho dù đã có những lo ngại trong thời gian đầu. Tuy nhiên chúng ta cần nhận thức được sự khác biệt về kết quả, đặc biệt trong thời gian dài và ốc tai điện tử đã làm thay đổi rất tích cực cho trẻ điếc nhưng không thể chữa lành bệnh điếc.Trẻ được cấy ốc tai tuy phát triển tốt về kỹ năng giao tiếp nhưng vẫn còn những hạn chế của trẻ điếc, cần phải được hỗ trợ về học hành trong thời gian dài và các nhà chuyên môn vẫn còn nhiều thử thách phía trước…
BS. LÊ TỰ THÀNH NHÂN, lược dịch từ bài báo Long-term outcomes of children and young people with cochlear implants, tác giả Sue Archbold, đăng trên tạp chí ENT & Audiology, số tháng 6 năm 2017.