Giảm thính lực đột ngột là tình trạng giảm thính lực trên 30 dB ở 3 tần số âm thanh liên tục và xảy ra trong thời gian ít hơn 3 ngày. Thường xuất hiện sau 1 đêm ngủ dậy, bệnh nhân cảm nhận giảm sức nghe kèm các dấu hiệu như ù tai hoặc chóng mặt. Đây là bệnh hiếm gặp với tỷ lệ khoảng từ 5 đến 30 trên 100,000 dân/năm.
95 phần trăm giảm thính lực đột ngột xảy ra ở 1 bên, và khoảng 5 phần trăm bị 2 tai.
80 phần trăm kèm theo triệu chứng ù tai, và 30 phần trăm kèm theo dấu hiệu chóng mặt.
Nguyên nhân giảm thính lực đột ngột:
Giảm thính lực do bệnh lý vùng tai giữa, thường trong 1 đợt cảm lạnh gây viêm và tiết dịch tại tai giữa.Bệnh nhân thường có cảm giác đau tai, nặng tai, thường xảy ra 2 bên. Đây là dạng giảm thính lực dẫn truyền, không phải là 1 cấp cứu nội khoa và tình trạng giảm thính lực sẽ phục hồi sau khi tình trạng viêm nhiễm được cải thiện, hết dịch ở tai giữa.
Giảm thính lực đột ngột dạng tiếp nhận, thần kinh (sudden sensorineural hearing loss).
Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chỉ khoảng 10 phần trăm trường hợp phát hiện được nguyên nhân. Còn lại được xem là vô căn. Sau đây là 1 số nguyên nhân thường gặp:
- Nhiễm siêu vi là nguyên nhân thường gặp nhất ( Herpes simplex, cytomegalo virus, Epstein-Barr virus, influenza virus…)
- Nhóm bệnh lý mạch máu gây tắc nghẽn hoặc giảm tưới máu đến vùng tai trong.
- U dây thần kinh thính giác (Acoustic neuroma)
- Chấn thương vùng tai trong.
- Sử dụng 1 số thuốc gây độc tai, đặc biệt là các thuốc hóa trị ung thư, kháng sinh, lợi tiểu..
- Tiếp xúc với tiếng ồn.
- Các bệnh lý về hệ miễn dịch, bệnh Meniere, bất thường cấu trúc tai trong…
Bạn cần phải làm gì khi bị giảm thính lực đột ngột?
Khi bị giảm thính lực đột ngột, bạn nên đi khám bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng, đặc biệt là bác sỹ chuyên về tai, càng sớm càng tốt.
Nếu nguyên nhân xuất phát từ vùng tai giữa, bạn yên tâm là sau 1 đợt điều trị nội khoa, thính lực sẽ phục hồi. 1 số ít trường hợp cần phải phẫu thuật để dẫn lưu dịch tai giữa hoặc chỉnh hình cấu trúc chuỗi xương con ở tai giữa.
Nếu nguyên nhân từ tai trong (tiếp nhận, thần kinh) thì thời gian rất quan trọng với bạn, đặc biệt là trong 2 tuần đầu. Đây được xem là cấp cứu nội khoa. Trong trường hợp bác sỹ không tìm ra nguyên nhân (90 phần trăm), bạn cần biết các thông tin sau đây:
- Khoảng 1/3 trường hợp phục hồi tự nhiên mà không cần điều trị.
- 1/3 trường hợp thính lực phục hồi hoàn toàn hoặc cải thiện đến 1 mức độ nào đó.
- 1/3 trường hợp không phục hồi dù đã được điều trị tích cực.
- Nếu bạn bị giảm thính lực mức độ nhẹ và trung bình, thì khả năng hồi phục sau 2 tuần là rất cao. Nếu giảm thính lực ở mức độ sâu (trên 90 dB) thì chỉ có khoảng 25 phần trăm hồi phục thính lực dù đã được điều trị tích cực.
Điều trị giảm thính lực đột ngột:
- Điều trị theo nguyên nhân cụ thể, tuy nhiên chỉ có 10 phần trăm trường hợp tìm ra nguyên nhân.
- Trong trường hợp không tìm ra nguyên nhân, tuy còn nhiều tranh cãi, các phương pháp điều trị chủ yếu bao gồm:
+ Sử dụng corticoide.
+ Thở oxy cao áp.
+ Sử dụng thuốc dãn mạch.
+ Sử dụng các thuốc chống virus, các yếu tố vi lượng như Vitamin E, Magnesium…
+ Sau 6 tháng, nếu tình trạng giảm thính lực không cải thiện, xem xét chỉ định máy trợ thính.
Corticoide là lựa chọn đầu tiên trong điều trị giảm thính lực đột ngột không rõ nguyên nhân.
Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có 1 phương pháp điều trị nào bảo đảm hiệu quả tuyệt đối giúp phục hồi thính lực cho tất cả bệnh nhân, trong thời gian chờ đợi các kết quả nghiên cứu mới về giảm thính lực đột ngột, bạn cần lưu ý giảm thính lực đột ngột là một trường hợp cấp cứu nội khoa, cần đến gặp bác sỹ tai mũi họng càng sớm càng tốt, đặc biệt là trong 2 tuần đầu tiên. Sau 1 tháng thì khả năng hồi phục thính lực của bạn sẽ rất ít.