Hà Thị Kim Yến, chuyên viên trị liệu và huấn luyện ngôn ngữ.
---------------
Trẻ khiếm thính phần lớn là bị điếc mức độ nặng-sâu, ở mức độ này thính giác trẻ sẽ không thể tiếp nhận âm thanh của lời nói, muốn nghe được âm thanh của ngôn ngữ trẻ cần cấy ốc tai điện tử.
Ốc tai điện tử là một hệ thống gồm các điện cực được cấy vào ốc tai, với thiết bị đeo ngoài cùng bộ cây dưới da, âm thanh sẽ được biến đổi thành tín hiệu xung điện trực tiếp đến thần kinh thính giác. Ốc tai điện tử, được xem là thiết bị trợ thính phù hợp có thể phục hồi thính giác bị tổn thương. Ốc tai điện tử là một công nghệ hiện đại, đắt tiền, hiện là xu hướng xử dụng của phần đông các gia đình có con bị điếc nặng-sâu, đặc biệt ở Việt Nam, vì theo nghiên cứu 95% ba mẹ của các trẻ là người nghe-nói bình thường, nhiều ba mẹ của các trẻ em Việt Nam mong muốn trẻ giao tiếp và nghe-nói bình thường. Đến nay phương pháp cấy ốc tai điện tử được xử dụng khá rộng rãi ở Việt Nam, đã có hằng trăm trường hợp cấy thành công.
Nhưng khi phẫu thuật cấy ốc tai điện tử thành công thì ta chỉ vừa làm được phần phục hồi cho “tai”, để trẻ dùng phần “tai” để lắng nghe-học nói thì cần một quá trình luyện nghe với phương pháp Thính giác –Lời nói.
Một buổi trị liệu Thính giác – Lời nói luôn có sự tham gia của các thành viên trong gia đình.
Trên thế giới, giúp trẻ khiếm thính phát triển giao tiếp có một số phương pháp đó là Giao tiếp tổng hợp, phương pháp này dạy trẻ học lắng nghe, đọc môi và dùng dấu hiệu; phương pháp Thính giác – Miệng, phương pháp này dạy trẻ lắng nghe có sự hỗ trợ thị giác cùng các giác quan khác; phương pháp Thính giác – Lời nói, phương pháp này huấn luyện trẻ sử dụng thính giác để học nói và phát triển ngôn ngữ.
Phương pháp Thính giác – Lời nói khác các phương pháp khác là ưu tiên sử dụng thính giác để nghe, học nói và phát triển ngôn ngữ, phương pháp này không khuyến khích bé sử dụng thị giác và các giác quan khác để học nghe, vì theo Doreen Pollack, nhà sáng lập phương pháp Thính giác – Lời nói “Chỉ có 40% âm thanh lời nói nhìn được qua môi, như vậy sẽ khó khăn cho việc học ngôn ngữ”, hoặc thính giác là cơ quan chính để trẻ hoàn thiện kỹ năng nghe – nói theo như nghiên cứu của Shella R. Pratt “Qua nhiều thời gian, trẻ dùng thính giác để xem xét lời nói của chính mình, phát hiện được các lỗi và điều chỉnh”. Đối với sự phát triển bình thường, để não bộ phát triển được phần thính giác thì trẻ phải có trải nghiệm về nghe, theo Norman Dolge nếu cứ để trẻ sử dụng thị giác để đọc hình miệng thì phần thính giác của não bộ sẽ không phát triển được, như thế các thiết bị công nghệ cũng không phát huy được công năng. Do đó phương pháp Thính giác – Lời nói (Auditory Verbal therapy) là phương pháp hiện nay được lựa chọn để dạy cho các trẻ cấy ốc tai điện tử. Nội dung của phương pháp này là liên kết kỹ năng nghe với phát triển nhận thức, phát âm và ngôn ngữ. Trẻ được học, trải nghiệm nghe trong môi trường hoàn cảnh thực tế gia đình, trẻ sẽ phát triển giao tiếp bằng lời thông qua khả năng nghe và nói. Phương pháp Thính giác – Lời nói có 10 nguyên tắc, trong đó có đến 5 nguyên tắc là liên quan và đề cao vai trò phụ huynh trong việc dạy cho trẻ học lắng nghe, phương pháp này chú trọng đến việc chẩn đoán và can thiệp sớm và hướng đến việc thúc đẩy cho trẻ học hòa nhập tại các trường bình thường.
“Nghe nè !” Nhắc trẻ lắng nghe trước nói với trẻ
Một số chiến lược quan trọng được sử dụng trong phương pháp này là : luôn chỉ vào tai nhắc trẻ lắng nghe, cho trẻ nghe trước khi cho trẻ nhìn thấy, lập đi lập lại, theo Geri Nelson trẻ bình thường nghe một từ hằng nghìn lần trong các tình huống khác nhau trước khi trẻ hiểu và sử dụng.
Ý thức được tầm quan trọng của việc trị liệu Thính giác – Lời nói cho trẻ sau khi cấy ốc tai điện tử, công ty Medel-Việt Nam đã quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực trị liệu này nhằm bảo đảm cho trẻ sau cấy phát triển hiệu quả khả năng nghe nói, đến nay công ty đã có ba nhà chuyên môn trình độ đại học chuyên về trị liệu Thính giác – Lời nói, thời gian qua đã tạo được sự hài lòng của các gia đình thông qua sự tiến bộ của các bé về khả năng nghe và nói.