Chất lượng và vị trí của Microphone (Mic) đóng vai trò quan trọng cho việc nghe rõ hay không.
Các bộ xử lý âm thanh của hệ thống ốc tai điện tử đều giúp bệnh nhân nghe rõ trong môi trường yên tĩnh, tuy nhiên trong môi trường ồn, nhiều người nói như trong lớp học, trong các buổi họp, 1 số bệnh nhân không thể nghe rõ lời nói của người đối diện. Chúng ta cùng tìm hiểu chức năng cơ bản của hệ thống microphone.
1/Trong trường hợp chỉ có 1 microphone duy nhất: chỉ có 1 ngõ vào duy nhất cho âm thanh từ môi trường bên ngoài, khi đó các âm thanh khác nhau như lời nói, tiếng ồn đều được tiếp nhận và xử lý cùng 1 lúc, tuy rằng được lập trình để loại bỏ các tiếng ồn dựa vào đặc điểm sóng âm thanh khác nhau giữa lời nói và tiếng ồn. Tuy nhiên trong trường hợp tất cả các nguồn âm thanh đều là lời nói (ví dụ trong lớp học, cô giáo đang giảng bài và các bạn nói chuyện ồn ào hoặc trong buổi họp có nhiều người nói chuyện và người mang thiết bị chỉ muốn nghe rõ 1 nguồn lời nói duy nhất về phía trước mặt) thì hệ thống 1 mic không thể phân biệt được âm thanh nào cần nghe, âm thanh nào cần loại bỏ, người mang thiết bị sẽ bị hạn chế.
Với 1 microphone duy nhất, chỉ có chế độ đa hướng (omnidirectionality), không thể nghe rõ lời nói trong môi trường ồn.
2/ Với hệ thống có 2 mic: 1 phía trước và 1 phía sau. Các âm thanh từ phía trước sẽ đến mic phía trước sớm hơn mic phía sau, kết hợp với 1 bộ phận lọc ở mic phía sau làm chậm thời gian các âm thanh vào mic phía sau, như vậy các âm thanh từ phía trước luôn có sự khác biệt về thời gian ở 2 mic, trong khi đó các âm thanh từ phía sau sẽ đến 2 mic cùng 1 lúc, và sẽ bị loại bỏ.
Đây được gọi là khả năng định hướng của hệ thống 2 mic, giúp bệnh nhân nghe rõ được lời nói ở phía trước và loại bỏ các lời nói gây ồn ở phía sau.
Hệ thống 2 mic, với bộ lọc ở mic phía sau, giúp loại bỏ lời nói, tiếng ồn đến từ phía sau.
- Với hệ thống có 2 mic, bộ lọc về thời gian có thể thay đổi tự động phù hợp với thời gian chênh lệch giữa 2 mic trong trường hợp lời nói gây ồn ở phía bên, giúp loại bỏ các lời nói gây ồn ở 2 bên, chức năng này gọi là Adaptive Directionality.
Không những giúp loại bỏ lời nói, tiếng ồn ở phía sau, chức năng Adaptive directionality còn giúp loại bỏ các âm thanh không mong muốn từ 2 bên, giúp người mang thiết bị tập trung nghe rõ âm thanh từ phía trước.
Như vậy với hệ thống 1 mic, chỉ có 1 chức năng duy nhất là nghe đa hướng, không có khả năng định hướng.
Với hệ thống có 2 mic, trước và sau, có thể thiết lập 3 chế độ nghe 1 cách tự động là đa hướng, định hướng cố định và định hướng có khả năng thay đổi (adaptive directionality), giúp bệnh nhân nghe rõ lời nói cần nghe trong các môi trường có nhiều lời nói gây nhiễu ví dụ như trong lớp học, trong các buổi họp mặt gia đình hay các buổi họp quan trọng…